Bạn sẽ hối hận nếu không tìm hiểu về Permalink!

Permalink
Nội dung

    Tối ưu permalink mới nghe tưởng chừng như công việc khá ghê gớm. Thực ra đó chỉ là một cú click chuột trong phần Settings của WordPress mà thôi.

    Tuy nhiên, để tối ưu cho công cụ tìm kiếm và trải nghiệm người dùng, bạn nên tìm hiểu thật kỹ. Vì nó rất quan trọng, ảnh hưởng rất lâu dài về sau.

    Đây là một trong 15 việc cần làm ngay sau khi cài đặt WordPress và là một yếu tố cực kỳ quan trọng trong SEO Onpage.

    Permalink là gì?

    Permalink là viết tắt của từ permanent link có nghĩa là đường dẫn lâu dài, mãi mãi mà chúng ta hay gọi là đường dẫn tĩnh.

    Cấu trúc permalink không thay đổi trong suốt quá trình tồn tại của một website. Khi bạn thay đổi sẽ gây ra lỗi 404 hàng loạt và làm mất thứ hạng từ khóa của bạn.

    Ví dụ đây là permalink của bài viết này: https://mosmmo.com/toi-uu-permalink/

    Permalink trong WordPress

    • Permalink mặc định

    Khi bạn vừa khởi tạo xong WordPress thì đường dẫn tĩnh sẽ có dạng sau:

    https://mosmmodotcom/?p=123

    Trong đó 123 chính là ID của bài viết. Mình thấy số ID này thường là ngẫu nhiên chứ không phải theo thứ tự.

    • Permalink tùy chỉnh

    Ngoài permalink mặc định của WordPress như trên thì khi các bạn vào Settings > Permalinks chúng ta có thêm 5 lựa chọn như sau:

    cai dat permalink cho wordpress
    Cài đường dẫn tĩnh chuẩn SEO cho WordPress

    Nhưng đó chưa phải là tất cả permalink mà bạn có thể làm.

    Nếu như website của bạn có nhiều tác giả và bạn muốn hiển thị họ ra ngoài permalink thì làm như thế nào?

    Câu trả lời là hãy chọn Custom Structure và nhập vào các tùy biến như sau:

    • %postname%: tên của bài viết không dấu và có dấu gạch ngang ở giữa các từ. Bạn có thể thay đổi dấu gạch ngang này bằng dấu khác nếu dùng plugin Yoast SEO
    • %post_id%: ID của bài viết trong bảng wp-post trong cơ sở dữ liệu
    • %category%: tên của chuyên mục
    • %author%: tên tác giả
    • %year%: năm xuất bản bài viết
    • %monthnum%: tháng xuất bản của bài viết
    • %day%: ngày xuất bản của bài viết
    • %hour%: giờ xuất bản của bài viết
    • %minute%: phút xuất bản của bài viết
    • %second%: giây xuất bản của bài viết

    Tất cả các thẻ này phải đặt trong 2 dấu % và giữa các thẻ phải có dấu /

    Ví dụ mình muốn đặt permalink có dạng như sau:

    https://mosmmodotcom/wordpress/quan/toi-uu-permalink với “wordpress” là chuyên mục, “quan” là tên tác giả, còn “toi-uu-permalink” là tên bài viết thì bạn phải đặt thẻ trong Custom Structure là:

    http://mosmmodotcom/%category%/%author%/%postname%/

    Cấu trúc permalink chuẩn SEO

    Google nói gì

    Trong Hướng dẫn dành cho người mới làm quen với Tối ưu hóa công cụ tìm kiếm (SEO) do Google phát hành:

    Việc tạo danh mục và tên tệp mang tính mô tả cho các tài liệu trên trang web của bạn không chỉ giúp bạn tổ chức trang web tốt hơn mà còn tạo các “URL thân thiện hơn” cho những người muốn liên kết đến nội dung của bạn. Khách truy cập có thể cảm thấy e ngại trước các URL cực kỳ dài và khó hiểu chứa ít từ dễ nhận biết.

    Tóm lại:

    • Cấu trúc permalink chuẩn nên ngắn gọn, dễ hiểu, “thân thiện” với người dùng và cỗ máy tìm kiếm
    • Chứa từ khóa vì nó hiển thị ra ngoài kết quả tìm kiếm giúp người dùng quyết định có nên vào website của bạn hay không

    Cấu trúc permalink lý tưởng nhất

    Theo Yoast SEO thì bạn nên tối ưu permalink theo 1 trong 2 cách sau:

    • /%postname%/ (tên bài viết)
    • /%category%/%postname%/ (chuyên mục/tên bài viết)

    Theo mặc định thì tiêu đề bài viết được dùng làm permalink luôn. Bạn có thể tùy chỉnh bằng cách nhấn Edit trong thanh Permalink nằm ngay dưới tiêu đề

    Bạn nhấn vào ô Permalink ở cột bên phải để chỉnh sửa URL slug của từng bài viết theo ý muốn nhé!

    đường dẫn tĩnh wordpress
    Chỉnh sửa URL slug theo ý muốn

    Bạn vẫn muốn nhiều hơn? Dưới đây là các thiết lập quan trọng khác

    Các thiết lập quan trọng khác

    Nên hay không sử dụng permalink ngày tháng năm

    Khi một người dùng nhìn vào URL của bạn, họ sẽ nghĩ là “À, bài này mới viết thôi. Chắc sẽ có nhiều thông tin cập nhật lắm đây”. Điều đó thật tuyệt.

    Thời gian dần trôi, bài viết đó có thể vẫn còn giá trị như ngày nào.

    Nhưng khi một người khác vào bài viết đó của bạn, họ sẽ nghĩ “Hmm, bài này viết lâu quá rồi, chắc không còn gì thú vị nữa”.

    Bạn có thể sử dụng permalink dạng ngày tháng năm & tên bài (/%year%/%monthnum%/%day%/%postname%/) nếu như bạn có một website chuyên về tin tức và bạn xuất bản hàng tá bài viết mỗi ngày.

    Nếu bạn làm website tin tức mình xin bật mí một cách tối ưu permalink hay hơn:

    https://example.com/%postname%-%post_id%/

    Trước %post_id bạn có thể thêm vài ký tự hay ho nếu muốn. Ví dụ như thêm chữ p (nghĩa là post):

    https://example.com/sample-post-p69/

    Tuy nhiên, người quyết định cuối cùng vẫn là bạn. Một số người khá nổi tiếng vẫn dùng cấu trúc permalink này.

    Nên hay không có dấu / ở cuối?

    Khi bạn sử dụng một số công cụ kiểm tra website như ScreamingFrog thì sẽ thấy.

    Chuyên gia Google @JohnMu có nói như sau:

    Nói chung trên domain gốc thì Google xem là như nhau. Như ví dụ trên thì (A) = (B), (C) = (D).

    Còn lại thì Google xem có hoặc không có / là 2 URL khác nhau.

    Họ cũng không quan trọng là bạn phải sử dụng cái nào. Miễn sao là thống nhất là được.

    Nên hay không sử dụng chuyên mục (category)

    Nếu tên miền và chuyên mục của bạn ngắn gọn thì như vậy cũng được. Còn nếu chuyên mục có slug dài thì không nên.

    Đối với website WooCommerce thì bạn không nên xóa category. Đó là theo khuyến nghị của chính WooCommerce.

    Nếu bạn quyết định chọn chuyên mục vào cấu trúc đường dẫn tĩnh thì nên chắc chắn là bài viết đó chỉ được đính vào một chuyên mục duy nhất mà thôi.

    Note: Nếu sau này bạn không dùng category nữa thì có thể xóa category trong WordPress bằng Yoast SEO.

    Nhớ chuyển hướng 301 nếu không sẽ gây ra lỗi 404 hàng loạt và làm mất thứ hạng từ khóa hiện có của bạn. Bạn nên cân nhắc kỹ và cẩn thận khi làm.

    Xem thêm: Lỗi 404 là gì? Cách khắc phục lỗi 404

    Nên hay không thêm đuôi .html

    Đối với SEO mà nói thì thêm hay không đuôi .html vào cấu trúc permalink không có nhiều khác biệt.

    Tuy nhiên, nếu bạn thêm .html thì Google có khả năng sẽ lập chỉ mục bài viết đó nhanh hơn.

    Bạn có thể thêm đuôi html cho WordPress trong Settings > Permalinks:

    /%postname% .html/

    Tối ưu permalink cho mục lưu trữ (Archives)

    Trong phần Settings > Permalinks sẽ có thêm phần Optional

    permalink settings wordpress
    Permalink settings cho category & tag

    Đây là nơi bạn cài đặt URLs cho chuyên mục (category) và thẻ (tag).

    Ví dụ bạn để category base là “chuyen-muc” thì đường dẫn cho chuyên mục WordPress từ https://mosmmodotcom/category/wordpress => https://mosmmodotcom/chuyen-muc/wordpress

    Tương tự bạn để tag base là “the” thì đường dẫn cho một tag là mmo” chẳng hạn từ https://mosmmodotcom/tag/mmo => https://mosmmodotcom/the/mmo

    Nếu để trống thì WordPress sẽ tự hiểu là mặc định. Bạn có thể xóa category base bằng Yoast SEO.

    Sau khi đã tạo cho mình một website như ý, hãy tối ưu permalink ngay vì tầm quan trọng của nó.

    Như mình đã nói lúc đầu, permalink sẽ đi theo bạn trong suốt quá trình tồn tại của website.

    Dù bạn chọn cấu trúc nào đi nữa, thì hãy chắc chắn rằng bạn không bao giờ nên thay đổi.

    Chúc bạn thành công!

    2800cookie-checkBạn sẽ hối hận nếu không tìm hiểu về Permalink!

    Bình luận

    2 responses to “Bạn sẽ hối hận nếu không tìm hiểu về Permalink!”

    1. Lam Avatar
      Lam

      Mình muốn thêm đuôi .html sau category trong wp thì làm như thế nào ạ
      Ví dụ: gameonline/category.html

      1. Đặng Đình Quân Avatar

        Bạn có thể làm theo cách này nhé. Nhớ chèn code vào file functions.php trong child theme.

    Leave a Reply

    Your email address will not be published. Required fields are marked *